TRƯỜNG TRUNG CẤP KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP - THỦ CÔNG NGHIỆP NGHỆ AN 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Hai mươi năm - một quãng thời gian chưa dài nhưng cũng vừa đủ để khẳng định sự nỗ lực phấn đấu và trưởng thành của mình. Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An tiền thân là Trường dạy nghề Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An, được thành lập theo tinh thần Nghị quyết 07/NQ-TU ngày 8/8/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về việc đẩy mạnh phát triển dạy nghề thời kỳ 2001 - 2010, nhằm tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2001 - 2010 theo Nghị quyết 06/NQ/TU ngày 8/8/2001 của BCH tỉnh Đảng bộ Khoá XV. Trên tinh thần đó, Trường Dạy nghề Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An được thành lập theo Quyết định số 3144/QĐ-UB-TC ngày 10/9/2001 của UBND tỉnh Nghệ An.
Từ đó đến nay, vượt lên bao khó khăn, thử thách, Trường đã vững bước đi lên, tạo được niềm tin trong nhân dân, là địa chỉ tin cậy của doanh nghiệp và người học. Trường đã có bước phát triển không ngừng về quy mô, chất lượng và bước đầu đã khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống Giáo dục nghề nghiệp.
Để khẳng định vị thế của trường trong những năm qua, lãnh đạo nhà trường đã quan tâm phát triển toàn diện và chú trọng phát triển theo từng giai đoạn:
Giai đoạn 2001 - 2006: Mục tiêu của trường là “Đào tạo thợ, trong đó có thợ bậc cao, tạo nguồn hình thành các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ và là lực lượng dạy nghề, truyền nghề ở nông thôn và các làng nghề”.
Giai đoạn này Trường Dạy nghề Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An trực thuộc Hội đồng Liên minh HTX & Doanh nghiệp ngoài quốc doanh của tỉnh (nay là Liên minh HTX tỉnh Nghệ An). Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là:
1. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, các ngành nghề truyền thống và du nhập các nghề mới phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.
2. Bồi dưỡng, tập huấn cán bộ nghiệp vụ, thợ lành nghề của các HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Thành lập tháng 9/2001, trường chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2002. Trong điều kiện bước đầu hoạt động. Nhà trường gặp nhiều khó khăn, chưa hội tụ đủ các yếu tố cần và đủ cho một cơ sở dạy nghề như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình ... Mặt khác mô hình trường dạy nghề tiểu thủ công nghiệp chưa có tính hệ thống và chuẩn quốc gia để học tập; việc dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ tập trung, chính quy mang tính đặc thù cao.
Với phương châm “vừa hành quân - vừa xếp hàng”; “ vừa làm - vừa học”, vừa tổ chức đào tạo nghề, vừa xây dựng cơ sở vật chất; lấy quá trình đào tạo để hoàn thiện cơ sở vật chất, mục tiêu chương trình và quy mô đào tạo, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên Nhà trường đã nỗ lực phấn đấu xây dựng trường ngày càng phát triển.
Vừa tổ chức đào tạo các nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công truyền thống, vừa từng bước đa dạng hoá ngành nghề đào tạo, đưa các nghề tiên tiến hiện đại, có tính công nghệ cao để dạy nghề cho người lao động theo phương châm: “Dạy cái người học cần học thay cho dạy cái Nhà trường có”; Gắn dạy nghề với dạy người, học đi đôi với hành; Nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội.
Ra đời trong bối cảnh gặp không ít khó khăn như: Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo thiếu thốn; công tác tư vấn hướng nghiệp dạy nghề còn hạn chế; học sinh, sinh viên chưa tự giác đi học… Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng Liên minh HTX và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh, sự giúp đỡ và phối hợp của các Sở, ban, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, sự phấn đấu không mệt mỏi của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, nhân viên, nên trường đã nhanh chóng nhập cuộc để hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Sau 5 năm, Nhà trường đã tổ chức đào tạo cho gần 3.000 người lao động có trình độ từ Sơ cấp nghề đến Trung cấp nghề với phần lớn là các nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ. Thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu và tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động tại các làng nghề, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các cơ sở sản xuất khác.
Giai đoạn 2006 - 2009: Trường trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và chịu sự quản lý Nhà nước của các Sở về những lĩnh vực liên quan. Trường được bổ sung thêm 3 nhiệm vụ mới:
1. Tổ chức đào tạo hệ Trung cấp và liên kết đào tạo bậc Cao đẳng, Đại học và các ngành nghề mà thị trường lao động có nhu cầu phù hợp với năng lực đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị hiện có của Nhà trường.
2. Du nhập nghề mới, tổ chức nghiên cứu để áp dụng các thành tựu khoa học và các hoạt động dịch vụ khác để phát triển đào tạo nghề.
3. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác theo điều lệ Trường Trung cấp nghề.
Giai đoạn từ 2009 cho đến nay: Chức năng, nhiệm vụ của nhà trường không thay đổi nhưng được bổ sung thêm nhiệm vụ mới: “Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc trong nước và nước ngoài” đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Nhà trường trong công tác tuyển sinh, gắn đào tạo với sản xuất, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, đào tạo nghề để phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động.
Giai đoạn này, Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo rộng hơn, đa ngành, đa nghề, được liên kết để đào tạo các bậc Cao đẳng và Đại học nhằm đáp ứng nhu cầu lao động đa dạng của xã hội. Nhiệm vụ tuy nặng nề hơn, nhưng Nhà trường có nhiều điều kiện thuận lợi để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Nhà trường đề ra mục tiêu: Vừa tiếp tục đào tạo các nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ đồng thời đẩy mạnh đào tạo nhóm nghề kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nông thôn và các khu công nghiệp, du lịch, thương mại và mở rộng đào tạo các nghề kinh tế như kế toán doanh nghiệp, kế toán ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, tài chính tín dụng ... cho hệ Trung cấp và liên kết đào tạo hệ Cao đẳng, Đại học với các trường Cao đẳng và Đại học có uy tín trong nước. Tích cực tìm kiếm các mô hình liên kết đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề uy tín để tranh thủ được kiến thức truyền nghề của các nghệ nhân, nâng cao chất lượng dạy nghề, đảm bảo học sinh sau khi ra trường có kiến thức, kỹ năng nghề tiếp cận được với xu thế phát triển của xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới về đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Những năm qua, Nhà trường đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo; hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình quản lý đào tạo; phát triển đội ngũ giáo viên giỏi về kiến thức chuyên môn và trình độ kỹ năng nghề để có thể truyền đạt một cách tốt nhất, giúp học sinh vừa có kiến thức, kỹ năng, vừa có thái độ nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động của tỉnh và các địa phương lân cận… Từ năm 2002 đến nay, đã có hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên được cử tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng và học tập kinh nghiệm tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước.
Từ khi thành lập đến nay, với chức năng, nhiệm vụ của mình, trường đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo 10 ngành hệ trung cấp và 11 ngành hệ sơ cấp. Với quy mô đào tạo hàng năm bình quân từ 1.200 - 1.400 học sinh, đến nay Nhà trường đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho gần 28.000 học sinh, trong đó trình độ trung cấp 8.000, trình độ sơ cấp 20.000. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 95%, có 35% học sinh khá, giỏi, 65% học sinh trung bình khá và trung bình, không có học sinh yếu kém; nhiều học sinh đạt học sinh giỏi nghề ở cấp tỉnh và cấp quốc gia. Đặc biệt năm 2018 có 1 học sinh đạt giải nhất - Huy chương Vàng nghề Công nghệ thời trang; 01 học sinh đạt giải Ba nghề Mộc mỹ nghệ tại Kỳ thi tay nghề giỏi cấp Quốc gia. 100% học sinh ra trường được tư vấn giới thiệu việc làm, 87% học sinh có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và làng nghề trong và ngoài tỉnh với mức lương từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng, Lực lượng lao động do nhà trường đào tạo đã trở thành thợ cả, hạt nhân, giáo viên truyền nghề của các làng nghề và các cơ sở sản xuất, nhiều học sinh đã trở thành chủ doanh nghiệp về các nghề tiểu thủ công nghiệp góp phần tạo nguồn nhân lực để xây dựng làng nghề và làng có nghề trên địa bàn tỉnh nhà, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn, góp phần với toàn tỉnh thực hiện đạt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo mà Nghị quyết Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVIII đề ra.
Công tác nghiên cứu khoa học cũng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên quan trọng trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích cán bộ, giáo viên nhà trường tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Nhà trường đã có nhiều đề tài, giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm được ngành, tỉnh công nhận và áp dụng vào thực tế giảng dạy tại trường. Đặc biệt, nhà trường đã chủ động xây dựng và ban hành chương trình đào tạo các cấp để tạo tính chủ động trong việc tiếp cận và đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp về trình độ, năng lực, kỹ năng của người học. Đến nay, nhà trường đã biên soạn được 21 bộ chương trình với đa số các tiết học đều được dạy theo phương pháp tích hợp, học sinh được đáp ứng vật tư thực hành ở mức cao nhất để rèn luyện kỹ năng tay nghề. Năm 2012 Nhà Trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm định và cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng dạy nghề ở cấp độ III - cấp độ cao nhất. Điều này khẳng định về chất lượng của công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện tốt, có chất lượng hoạt động đào tạo của nhà trường.
Song song với công tác tổ chức đào tạo, Nhà trường đã từng bước xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, với diện tích khuôn viên hơn 21.000 m2, được quy hoạch chi tiết, đồng bộ và phân kỳ đầu tư xây dựng, đến nay đã được xây dựng khang trang: khu Hiệu bộ, khu giảng đường học lý thuyết, khu xưởng học thực hành, khu ký túc xá, khu nhà ăn học sinh, Hội trường và thư viện, khu trưng bày sản phẩm, khu giáo dục thể chất... thường xuyên bổ sung thiết bị đào tạo đồng bộ theo qui định, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, đủ số lượng để phục vụ cho công tác đào tạo; Năm 2014, nhà trường được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội xác định và lựa chọn hỗ trợ đầu tư 3 nghề trọng điểm cấp quốc gia, UBND tỉnh cho phép lập dự án đầu tư và được phê duyệt dự án đầu tư nghề trọng điểm quốc gia (giai đoạn 2015 -2020), mở ra cơ hội để nhà trường từng bước hội nhập với khu vực trên lĩnh vực đào tạo nghề.
Công tác tổ chức cán bộ cũng được Nhà trường quan tâm thực hiện với việc quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Hiện nay Nhà trường có 61 cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động, với cơ cấu 4 khoa, 3 phòng, trong đó 11 người có trình độ thạc sĩ và đang học thạc sĩ, 32 người trình độ đại học, 18 người trình độ cao đẳng, trung cấp, thợ bậc cao. Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Quyết định số 184/QĐ-SLĐTBXH ngày 29/4/2020 của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội phê duyệt Đề án Sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản các phòng, khoa, đơn vị trung gian; từng bước sắp xếp bố trí lao động theo đúng chuyên môn, vị trí việc làm, giảm lao động khối các phòng, tăng đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Đồng hành với quá trình xây dựng, phát triển, thực hiện nhiệm vụ chính trị, các tổ chức đoàn thể nhà trường đã có nhiều hoạt động đi vào chiều sâu. Công đoàn phát động hiệu quả các phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thiện nguyện, môi trường…;Đoàn thanh niên tổ chức nhiều hoạt động phong phú, bổ ích như hội diễn văn nghệ, hội thi thể thao, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, hoạt động tình nguyện ... được duy trì thường xuyên nhằm tạo sân chơi lành mạnh, phát triển toàn diện kỹ năng sống cho học sinh.
Với những thành tích đã đạt được, nhà trường được UBND tỉnh tặng Cờ Thi đua năm 2005, 2010, 2014, 2015; Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen năm 2008, Cờ năm 2019. Đặc biệt ghi nhận những phấn đấu, đóng góp của Nhà trường vào sự nghiệp đào tạo nghề, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2010 Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (giai đoạn 2005 - 2009) nhân dịp 10 năm thành lập Trường, năm 2016 tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (giai đoạn 2011 - 2015) nhân dịp 15 năm thành lập Trường. Những danh hiệu cao quý đó thực sự trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường phấn khởi tiếp tục phấn đấu để xây dựng và đưa Nhà trường ngày càng phát triển vững mạnh.
Phát huy những thành tựu đã đạt được sau 20 năm, với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là yêu cầu khách quan và cấp bách của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới và phù hợp với xu thế thay đổi trong nước, khu vực, thế giới. Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục thực hiện tốt các nội dung Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, giáo viên và người lao động theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Tập trung tuyển sinh các ngành nghề có thế mạnh, trọng điểm, theo nhu cầu thực tế của người học, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực. Đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo; gắn đào tạo với sản xuất dịch vụ; liên kết đào tạo với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tiếp tục mời các doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng, thẩm định, đánh giá chương trình đào tạo; xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tăng cường thời gian thực hành, thực tế tại doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho học sinh; bố trí giáo viên tham gia các hoạt động trực tiếp tại các doanh nghiệp sản xuất, nhất là những doanh nghiệp có công nghệ sản xuất mới, tiên tiến hiện đại để tích lũy kinh nghiệm thực tế; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng có nhu cầu học tập, đặc biệt là các lao động chưa qua đào tạo có cơ hội vừa làm, vừa học. Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đào tạo các ngành nghề trọng điểm.
Kế thừa và phát huy truyền thống 20 năm, tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xây dựng nhà trường phát triển bền vững, ổn định; trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật có uy tín, chất lượng, góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh.